Tiêu đề của website

Ai Dũng Cảm Chèo Lái VFV?

Nhiều ủy viên trong BCH đã thừa nhận LĐBC Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 5 đã thất bại về nhiều mặt, trong đó có chuyện cơ cấu ở thượng tầng quản lý. Chủ tịch Lê Minh Hồng quá bận bịu với công việc của ngành dầu khí, nên sao lãng chuyện của bóng chuyền là điều dễ hiểu. Nhưng điều đó vô tình lại tạo điều kiện cho một số cấp dưới lộng quyền…


Nhiều ủy viên trong BCH đã thừa nhận LĐBC Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 5 đã thất bại về nhiều mặt, trong đó có chuyện cơ cấu ở thượng tầng quản lý. Chủ tịch Lê Minh Hồng quá bận bịu với công việc của ngành dầu khí, nên sao lãng chuyện của bóng chuyền là điều dễ hiểu. Nhưng điều đó vô tình lại tạo điều kiện cho một số cấp dưới lộng quyền…

 

Chính ông Chủ tịch VFV Lê Minh Hồng đã có lần than thở rằng ông mệt mỏi vì những điều tiếng mà giới chức bóng chuyền gây ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo, ảnh hưởng đến uy tín của ông trên thương trường cũng như trong làng thể thao Việt Nam. Thậm chí, dư luận còn cay nghiệt nói rằng ông Chủ tịch của VFV bị cấp dưới che mắt để làm bậy mà không có bất kỳ phản ứng nào cả, khiến làng bóng chuyền loạn hết cả lên, trên nói dưới không phục và sự nghi kỵ trong nội bộ thường vụ cũng như giữa các ủy viên BCH dâng cao.

Mãi về sau này, khi nhiệm kỳ 5 sắp sửa kết thúc, Chủ tịch VFV Lê Minh Hồng mới nhận ra thực trạng bết bát của bóng chuyền Việt Nam và kiểu cách làm việc tùy hứng của một số cấp dưới. Ông Hồng đâm ra chán chường, có cảm giác như bị phản bội sau những gì đã mang về cho bóng chuyền nên tuyên bố sẽ rút khỏi bóng chuyền Việt Nam ngay trước thềm Đại hội nhiệm kỳ 6.

Thật ra, có lần tâm sự với SGGP, ông Lê Minh Hồng (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam) tính xin rút từ giữa nhiệm kỳ, khi sự căng thẳng trong làng bóng chuyền lên cao, uy tín của giới chức, đặc biệt là của Tổng thư ký Trần Đức Phấn giảm sút nghiêm trọng. Rốt cuộc, ông Hồng được thuyết phục ở lại làm đến hết nhiệm kỳ 5, để VFV tìm ra người thay thế xứng đáng.

Cho đến hiện tại, nghĩa là chỉ còn cách Đại hội VFV nhiệm kỳ 6 khoảng 4 tháng, vẫn chưa có cái tên nào danh giá xuất hiện. Giới chức VFV đã tìm đến nhiều doanh nhân giàu có, uy tín trong làng thể thao Việt Nam nhưng chưa một ai nhận lời. Ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - rất nhiều lần được VFV mời gọi, tuy nhiên ông luôn từ chối. “Tôi quá bận bịu với công việc ở doanh nghiệp. Với lại, tôi thích đầu tư cho bóng chuyền trên danh nghĩa của một doanh nghiệp hơn là bước chân vào VFV. Hãy để tôi thể hiện tình yêu với bóng chuyền theo cách của mình”, ông Phong lý giải.

Không chỉ ông Phong, đương kim Chủ tịch VFV Lê Minh Hồng cũng được mời tái cử, nhưng vị cán bộ của ngành dầu khí lắc đầu lập tức. Với ông, một nhiệm kỳ thất bại và mất đi khá nhiều uy tín đã là quá đủ rồi. Ông Hồng đến để giúp bóng chuyền Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, cố gắng tạo được sức hút giống như bóng đá, chứ không phải đến để bị cấp dưới qua mặt và làm loạn như suốt thời gian qua.

o0o

Chưa ai dũng cảm nhận chèo lái con thuyền VFV trong 5 năm tới. Ghế Chủ tịch của LĐBC Việt Nam đang khuyết, cũng giống như ghế Tổng thư ký sau khi ông Trần Đức Phấn tuyên bố từ chức vẫn chưa ai thay thế cả. Hai vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành làng bóng chuyền Việt Nam vẫn đang đợi người tài, có tâm và có tầm ảnh hưởng tìm đến. Chỉ có như vậy, tình hình mới được cải thiện và bóng chuyền Việt Nam mới chứng minh được rằng họ đang trông chờ vào cuộc cách tân thực sự.

Tháng 7 tới, VFV sẽ tổ chức đại hội, nhưng ngay cả khi đã chạy đôn, chạy đáo tìm nhân sự, ghế Chủ tịch VFV đến giờ vẫn trống. Người trong giới bóng chuyền lo ngại, nếu vẫn giữ cung cách hoạt động như hiện nay, vị trí TTK vẫn làm việc tùy hứng và vượt quyền lãnh đạo như vừa rồi, dẫu có mời được một tân Chủ tịch lắm tiền, có uy tín đến mấy đi nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề.

VFV sau thời cố TTK Hà Mạnh Thư chưa từng thể hiện tính đoàn kết một lần, chưa từng chứng minh tất cả đang chung lưng, đấu cật với nhau vì sự phát triển của bóng chuyền nước nhà. Tiếc thay!

THANH LÂM


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều